Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây.
Báo chí Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Ngày nay, từ góc nhìn hiện đại, các loại hình báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo ảnh, báo điện tử, hãng thông tấn) được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Nhà báo làm việc vất vả dưới sức ép căng thẳng của công việc và thời hạn, đặc biệt là ở các đài truyền hình. Họ phải đi nhiều, liên tục chạy theo các sự kiện mới. Nếu ở báo in, nhà báo làm việc tương đối độc lập thì ở lĩnh vực truyền hình, nhà báo thường làm việc theo nhóm gồm phóng viên, quay phim v.v...
Trong không ít trường hợp, nghề báo khá nguy hiểm, đặc biệt với những phóng viên thuộc mảng điều tra kinh tế, tệ nạn xã hội, phóng viên chiến trường v.v... Do đi nhiều, tìm hiểu nhiều, nhà báo thường có vốn kiến thức rất phong phú, quan hệ xã hội rộng và đa dạng.
Hầu hết nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí như thông tấn xã, các toà soạn báo in hay các đài phát thanh, truyền hình tại Trung ương và địa phương. Ngoài ra, họ cũng công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí như: Vụ Báo chí các ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, quận uỷ, huyện uỷ Cục Báo chí các Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố các phòng Văn hoá Thông tin quận, huyện.
Với chuyên môn báo chí, bạn còn có thể làm việc tại các phòng Thông tin - Báo chí của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty truyền thông hay các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tuỳ viên báo chí ở các Đại sứ quán trong và ngoài nước v.v... Bạn cũng có thể trở thành nhà báo tự do (tức là không phụ thuộc vào bất kì một cơ quan tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn). Đây là mô hình rất phát triển ở phương Tây.
Tóm lại, cơ hội việc làm trong ngành này rất rộng mở.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
- Năng khiếu phát hiện thông tin: quan tâm đến sự kiện và luôn biết phát hiện vấn đề, nhanh nhạy và tháo vát trong tiếp nhận và xử lý thông tin.
- Năng khiếu truyền tin: Biết cách chọn lọc thông tin và khiến nó trở sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và cần thiết với công chúng.
- Đam mê với nghề thông tin.
- Sức khoẻ tốt, ưa vận động, nhanh nhẹ, tháo vát
- Với truyền hình hay phát thanh, có một số yêu cầu đặc thù của nghề về chất giọng, ngoại hình cao hơn các loại hình báo chí khác.
- Có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng
- Biết học hỏi, tìm tòi để xây dựng cho mình một vốn văn hoá, vốn sống phong phú và phong cách viết riêng.
Một số địa chỉ đào tạo
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình I v.v...
Tuy nhiên, bạn có thể bước vào nghề báo từ bất cứ ngành đào tạo nào, đặc biệt các ngành vốn gần gũi với báo chí như: Luật, Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ học, Xã hội học...
Kênh Hướng Nghiệp (Tổng hợp và chia sẻ)
Đăng nhận xét