Cuộc đời con người có lúc thăng, lúc trầm, lúc thế này, lúc thế kia nhưng cốt cách của con người lúc nào cũng có, bạn phải có trách nhiệm hoàn thành kiếp nhân sinh của mình, mà người Nga gọi là bạn phải tự cho thấy bạn là loại thép nào, xứng với "Thép đã tôi thế đấy" không.


Bùi Quang Minh

Những người nỗ lực lao động của họ mang lại nhiều giá trị lớn lao cho xã hội sẽ luôn luôn thấy mãn nguyện về mình, được người đời đề cao, ngưỡng mộ. Để làm được điều lớn lao, những người đó phải chọn được lẽ sống đúng cho mình, và sống phải lẽ theo lẽ sống ấy, không bị những điều vô nghĩa, những cạm bẫy, những điều xã hội không mong muốn làm tha hóa...

Mỗi thời đại, các cá nhân có cách lựa chọn lẽ sống riêng, không bao giờ là muộn nhưng thường là ở lứa tuổi thanh niên, trung niên. Nếu nghĩ về lẽ sống, bạn có thể tìm từ 3 nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc, những nhiệm vụ lớn lao, khó khăn, cam go, nghiệt ngã của cuộc sống cá nhân, cuộc sống đồng loại. Nhưng gần đây, bạn trẻ sống lơ lửng, không mục đích, không chỗ bám vào một lẽ sống rõ ràng. Ai ai cũng nói mình dám nói, dám làm, dám sống, dám chơi... nhưng cụ thể Lẽ sống của họ là gì? Ước mơ, hoài bão, lý tưởng của họ đối với bản thân mình, với lợi ích chung, sự tiến bộ của xã hội, cái tôi trong cái chúng ta của xã hội và hy sinh bản thân vì cái chung để xã hội đi lên... Giản Tư Trung, chuyên gia đào tạo doanh nhân có nói "Lẽ sống giống bánh lái của cuộc đời. Con người không có lẽ sống giống như con thuyền không có bánh lái, chẳng biết đi đâu, về đâu". Sống để làm gì? Nếu xác định được mục đích, bạn sẽ sống khác đi và cuộc sống của bạn cũng sẽ khác.

Anh Trung trong một bài trình bày của mình có diễn giải về lẽ sống như sau: "Một người không có ước mơ sẽ có cuộc sống giống thực vật. Trong xã hội, nhiều người không may phải nằm bất động trong bệnh viện nhưng không sống thực vật vì họ từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây vẫn đang quyết tâm đấu tranh với bệnh tật để cứu lấy sinh mạng của mình. Họ có ước mơ và niềm tin khỏi bệnh.

Nhưng ngược lại, có những người khỏe mạnh lại "bất động" về tâm hồn. Ấy là khi họ không xác định được cho mình phương hướng và mục đích sống. Vì vậy, người trẻ hãy luôn thường trực câu hỏi: Mình phải dùng cuộc sống này vào việc gì?"

Nhưng chọn con đường đi đúng cho một người đâu phải dễ? Khi bạn đã cất bước trên đường rồi, sẽ có lúc bạn phải xem lại và suy nghĩ về đích đến của đời mình. Nhiều khi, con đường đi đúng chỉ ló dạng khi ta dám cất bước.


Tôi sưu tầm vài bài thơ về Lẽ sống của người đời cho mình, xin chia sẻ với các bạn & mong được đóng góp thêm:

Bài 1: Lẽ sống 

(Thơ Đặng Hải)


Lẽ sống tình đời sống khắp nơi
Sống đời có ích tệ sống chơi

Ai làm trăm sự cho ta sống

Cớ sao tham sống chỉ hại đời
Lẽ sống tình đời sống khắp nơi
Sống đẹp xem ai quyết xây đời

Tự tránh xa hoa nơi đàng điếm

Trần thế không nên sống ham chơi
Vui sao sống đẹp mãi sáng ngời
Ghi dấu sáng danh nghĩa tình đời

Nhân văn ghi chép thiên niên kỷ

Nghĩa tình cao cả với con người.




Bài 2: Thơ Đạo Phật


Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai

Sống chan hòa với những người chung sống...
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống hiên ngang danh lợi xem thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. 




Những bài thơ về Lẽ Sống



Bài 3: Thơ Tự Sự - Lưu Quang Vũ

Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm

Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai!


Bài 4: Thơ Sống - Chết

(Đặng Văn Bá làm nhân cái chết Tây Hồ Phan Châu Trinh)


SỐNG
Sống dại mà chi sống chật đời!
Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai?

Sống làm nô lệ cho người khiến,

Sống chịu ngu si để bạn cười!
Sống tưởng công danh không tưởng nước,
Sống lo phú quí chẳng lo đời.

Sống mà như thế đừng nên sống,

Sống dại sinh chi đứng chật đời.


CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.

Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,

Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.

Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,

Chết mà vì nước, chết vì dân. 

Bài 5: Thơ Nguyễn An Ninh


SỐNG
Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi.
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời, sử tạc ghi.

CHẾT
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.







Bài 6: Tự Nguyện 

(Thơ Trương Quốc Khánh)


Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương
Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ nam ra ngoài bắc báo tin nối liền

Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm

Cùng muôn trái tim ngất ngây hoà bình
Là mây, theo làn gió tung bay khắp trời
Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời

Là người, xin một lần khi nằm xuống

Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ

Kênh Hướng Nghiệp (Tổng hợp và chia sẻ)

Đăng nhận xét

YOUR_PROFILE_DESCRIPTION

Được tạo bởi Blogger.