Ông bà xưa dạy con cháu : “Hãy chọn bạn mà chơi”. Chọn bạn ở đây không hiểu là phải chơi với con nhà giàu, con nhà quyền thế, với kẻ tài ba lỗi lạc, nhưng là với con nhà gia giáo, biết kính trên nhường dưới, biết thảo hiếu với cha mẹ, không nói tục chưởi thề, không gây sự đánh nhau…Lời khuyên nầy tôi nghe rồi để đó, cũng như bao nhiêu lời khuyên khác.
Tôi khôn lớn, vào đời, có trách nhiệm và tôi cần có người cộng tác trong công việc. Trong tiềm thức, tôi luôn có vấn đề lựa chọn do cha mẹ dạy. Chỉ bấy nhiêu thôi. Tôi có cách chọn nhân viên, chọn người cộng tác, chọn đối tác… theo kiểu của tôi. Tất cả những người nầy không đơn thuần là nhân viên, nhưng là bạn. Đã là bạn thì phải chọn. Tiêu chuẩn để chọn ra sao?
Tôi không ý thức rõ ràng, nhưng còn nhớ vài lần chọn bạn quan trọng trong đời tôi đều dựa trên tiêu chuẩn thế nầy:
Tôi mở trường Trung Học, phải chọn giáo sư. Đơn xin việc không thiếu nhưng tôi chưa dám chọn một ai vì tôi chưa biết người, cũng như chưa biết khả năng chuyên môn của họ. Thế rồi có người giới thiệu cho tôi một giáo sư trẻ trong làng, anh ta đang dạy nhiều trường, cũng chưa ngỏ ý xin cộng tác. Tôi chỉ đơn thuần đến thăm anh xã giao. Chính anh rót trà mời khách. Anh đem trà mời cha anh và mời tôi. Đơn giản chỉ có vậy, nhưng tôi ngạc nhiên thấy cử chỉ anh mời nước cha mình, xưng hô với cha và vui vẻ giới thiệu tôi với cha anh một cách trân trọng, dùng những từ hết sức lễ phép. Thật sự đến lúc bấy giờ tôi chưa thấy một thanh niên bình dân hay trí thức nào nói chuyện với cha mình lễ độ như vậy. Điều nầy làm tôi cảm kích, tôi tự bảo lòng mình: đây đúng giáo sư mình có thể tín tưởng gởi gấm học sinh ! Và không chần chừ, tôi mời anh cộng tác. Anh vui lòng chấp thuận, nhưng còn xin hoãn để thông qua ý của cha đã, vì không biết dạy học xứ nhà có những trở ngại nào.
Tôi chấm anh chỉ vì anh cư xử rất tốt với cha, nhưng rất may anh dạy học cũng tốt. Chúng tôi là bạn thân từ ngày đó đến nay, dù cả hai chúng tôi đều nghỉ hưu, chúng tôi không có những quan điễm giống nhau về cuộc sống, nhưng chia sẻ với nhau thân mật.
Người bạn thứ hai, tôi cũng đã gặp trong trường hợp khá hi hữu. Ngày tiếp thu anh còn là cán bộ trẻ, năng động, có địa vị cao. Qua một người bạn giới thiệu, tôi gặp anh, và ngay từ buổi ban sơ chúng tôi đã nhận ra nhau là những người chân thành và hơi gàn bướng. Chúng tôi thích nhau vì chúng tôi cùng thành thật và cùng có tánh hơi gàn. Chúng tôi thích cái gàn, cái bướng và sự chân thật của nhau. Anh là người có địa vị, chức tước cao, có xe con đời mới nhất, nhưng anh luôn đến thăm tôi bằng xe gắn máy. Con cái anh tất cả đều thành đạt, làm việc ở thành phố. Phần anh nay hưu trí, bán nhà, về quê sống bên mẹ. Gặp người quen hỏi thăm về anh:
- Anh Sáu Phương lúc nầy ra sao?
Câu trả lời ngắn gọn kèm theo nụ cười làm tôi thấy thích thú:
- Anh Sáu khỏe mạnh, hằng ngày đọc Lục Vân Tiên cho mẹ nghe.
Tôi xin số điện thoại và gọi anh:
- Độ nầy thế nào?
- Rất vui vẻ, cám ơn anh. Ngày ba bữa, nấu cơm cho mẹ, giờ rảnh đọc sách cho mẹ nghe. Mẹ tôi thích đọc sách nhưng nay mắt kém lắm không còn đọc được nữa.
- Thế còn bà xã đâu mà phải nấu cơm?
- Bà xã mình vất vả nhiều năm rồi, nay có dịp mình cho bã nghỉ chút ít gọi là ... Đàng khác chính mình phụng dưỡng mẹ mình thì tốt hơn, bà đâu còn sống mấy năm, ngoài ra cũng để gương cho con cái.
Hai chúng tôi khi gặp mặt nhau, cũng như trên điện thoại, ngoài câu hỏi thăm thông lệ, thì tiếp theo cả câu chuyện là tình hình sức khỏe cha mẹ mỗi người. Nhiều lúc nhớ cha mẹ, không ai thông cảm cho, tôi gọi anh để có người hỏi thăm sức khỏe ba mẹ tôi. Chúng tôi là bạn chí thân của nhau, chuyện ai nấy biết, việc ai nấy làm, mỗi người có lý tưởng riêng, nhưng chúng tôi gặp nhau ở điểm chung là thương mến cha mẹ.
Và đây nữa, một người tôi chưa dám gọi là bạn, chúng tôi cộng tác với nhau làm việc xã hội. Anh có chuyên môn nên tôi được anh chỉ dẫn nhiều về cách làm việc sao cho hữu ích mà không mất nhiều thời giờ. Nếu chỉ có thế thôi thì chưa có gì phải nói, bởi tôi cũng có rất nhiều người giúp đỡ nhiều việc, tôi nhớ ơn tất cả, nhưng không cảm kích và không thấy mến như mến nhớ người bạn thân nầy. Xin nói ngay anh là Việt Kiều Mỹ, con người có nhiều việc làm để có tiền, cũng như làm vì công ích. Từ máy bay xuống anh khệ nệ mang hai thùng máy vi tính về cho một linh mục vùng sâu, vùng xa ở miền Trung. Anh nói: “ngoài đó người ta không biết gì về công nghệ thông tin. Tôi đem cho họ máy và sẽ ở đấy ít ngày đễ hướng dẩn những người cần học”. Tánh của anh là thế.
Anh biết giáo xứ Cái Mơn một cách mơ hồ, nhưng chắc chắn đây là một xứ đạo lớn. Anh ngỏ ý với người quen là muốn đóng góp với Cái Mơn điều gì đó theo khả năng chuyên môn của anh. Và rồi anh đến thăm nhà xứ. Hôm đó, bận việc đã hẹn trước, chúng tôi không có giờ nói chuyện dài với anh. Chỉ có vậy mà từ hôm đó anh đã vô tư giúp tôi, người nhà tôi và giáo xứ, việc tiếp cận với thông tin trên mạng rất khả quan. Cả nhà chúng tôi đều hảnh diện với kiến thức mới mẻ nầy. Rất cám ơn anh.
Nhưng điều tôi làm tôi phải lưu ý đến anh và muốn nói ra đây là câu chuyện nhỏ thế nầy:
Ở Hoa Kỳ về, anh không có nhiều thời giờ, nhưng đã thu xếp đến thăm chúng tôi đễ tìm hiểu khả năng vi tính ở đây, giúp chúng tôi một số công việc tại chỗ, bởi nhiều lần anh đã trao đổi trên thơ điện tử, nhưng chúng tôi không tiếp thu được trọn vẹn. Anh đem về cho chúng tôi nhiều lập trình vi tính, đó là điều dĩ nhiên. Trong số những tài liệu anh sang ra máy vi tinh ở đây, có cả hình ảnh gia đình anh: ảnh cha mẹ già, cảnh sum họp gia đình, hình anh chị em, những người đi tu, những người là bố đời có rất đông con cháu, tất cả đều nên danh phận và ngoan ngoãn với ông bà, cha mẹ. Anh trân trọng giới thiệu: “Đây là ảnh ba mẹ tôi; ba tôi năm nay đã 97 tuổi, nhưng còn minh mẩn, mẹ tôi ngoài 80 vẫn khỏe mạnh. Và đây là gia đình em trai tôi, rất đông con và toàn là con trai, tất cả học giỏi và có sự nghiệp; đây là em gái: Bề trên nữ tu hội dòng…. Và còn đây là gia đình tôi…ngôi nhà của tôi đây: nhỏ bé ! khiêm nhượng !…
Xong công tác, anh về lại Hoa Kỳ. Thông tin đầu tiên anh gởi cho chúng tôi là cho biết đã đến nhà. Sau câu xã giao thăm hỏi, những dòng tiếp theo anh nói về ba anh: một tháng vắng con, thương nhớ quá! Con nay đã về, ông cụ mừng và xúc động, ôm hôn con, khóc !…Ông lão 97 tuổi ôm con trai 62 tuổi khóc, cảm động biết bao! Ít ra là đối với tôi, bởi ba tôi cũng đã ôm hôn tôi dặn dò mỗi lần tôi: “thưa ba con đi”.
Mấy đệ tử tôi khi mở máy vi tính thấy hình ảnh anh để lại (có lẽ anh để lộn trong nhiều phân mềm khác!), chúng cười nói với nhau: không biết ông giáo sư nầy đem về cho mình mấy hình nầy chi vậy? Tôi làm thinh không trả lời chúng, bởi có giải thích chúng cũng chưa chắc đã hiểu, vì thế thường là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Một khi đã làm cha mẹ rồi mới hiểu được công ơn cha mẹ. Và khi thương mến cha mẹ thì không thể không nói về cha mẹ (le trop plein s’échappe),cũng như muốn cho nhiều người biết đến cha mẹ mình. Điều đáng suy nghĩ là, có không ít những đứa con chẳng bao giờ nói về cha mẹ mình cho người khác nghe, mà thậm chí khi có ai hỏi đến, còn cố gắng đánh trống lảng để chứng tỏ họ là người đã thoát khỏi vòng cương tỏa của cha mẹ. Họ cho đó là văn minh theo Âu Mỹ!( chưa chắc gì tất cả thanh niên, thiếu nữ Âu Mỹ là như vậy, bởi tôi gặp không ít ngưòi đi du lịch mỗi ngày đều viết thư cho cha mẹ, họ có làm gì thì cũng nói ba, mẹ tôi dặn như thế!).
Chiều buồn ngồi nhìn trời mây: xem bức tranh vân cẩu, lặng ngắm dòng nước sông xanh phẳng lặng xuôi qua cầu bên hàng dừa xanh, nhìn xe ôtô vùn vụt vượt nhau qua cầu.. Đời là như thế! Mau quá, mới đây mà mình đã già, cha mẹ không biết ngày nào…mà mình có phụng dưỡng được bao nhiêu! Tưởng nhớ cha mẹ, nhớ những lời các ngài dạy bảo: hãy chọn bạn mà chơi!
Thưa cha mẹ ở điểm nầy thì con đã giữ cẩn thận. Xem đi xem lại thì bạn của con toàn là những người hiếu thảo với cha mẹ. Con đã được cha mẹ dạy: chơi với người hiền, bạn với người đạo đức. Đạo ở đây là điều răn thứ Bốn: Thảo kính cha mẹ, là đạo Hiếu của người Việt Nam. Người đời thường dặn dò nhau: đừng chơi với những thằng bất hiếu kẻo Trời đánh nó, rồi trúng mình. Và Kinh Thánh đã không nói: con cái hiếu thảo được Chúa chúc phúc, được sống lâu đó sao?
Bài viết nguồn từ www.caimon.org (Viết tặng một thầy giáo lưu lạc bên xứ Mỹ)
Kênh Hướng Nghiệp (Tổng hợp và chia sẻ)
Đăng nhận xét