Khác với những giai đoạn khó khăn của xã hội và dân trí, ngày nay trong xã hội ta, chúng ta có rất nhiều thầy giáo, cô giáo. Họ là những người thầy trong các giảng đường đại học, các trường phổ thông, các trung tâm đào tạo... Họ có thể là người có rất nhiều bằng cấp, cũng có thể chỉ là những người tự đi theo con đường giáo dục bằng phương pháp của riêng mình. Thế nào là một người thầy thực sự mà mỗi nhà giáo cần hướng tới, mỗi học viên nên lựa chọn?


Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa học và giáo dục. Đặc biệt ông nội và ông bà ngoại tôi đều là nhà giáo, bố mẹ tôi kế thừa cái truyền thống đó và cũng là những nhà giáo. Bản thân tôi khi học hết bậc học phổ thông đã không chọn ngành này, tuy vậy tới nay, có lẽ do số phận đưa đẩy, và cũng có thể do cái trí não của tôi từ nhỏ đã hướng tới khoa học, tới mong muốn phổ biến kiến thức mình có cho người khác, mà lúc này tôi cũng đã là một nhà giáo, dù chẳng mang trên mình những tấm bằng sư phạm, những chứng nhận tiến sĩ, giáo sư. So với đại đa số những nhà giáo đang làm việc tại Việt Nam, tôi còn khá trẻ, và hẳn là ít kinh nghiệm hơn nhiều so với những người đi trước. Tuy nhiên với những gì tôi còn nhớ được về những năm đi học, những năm hoạt động khoa học và phổ biến kiến thức của mình trước đây, cũng như trực tiếp giảng dạy vài năm gần đây, tôi nhìn và hiểu rõ thế nào là một nhà giáo đích thực mà tôi cần hướng đến, và người học nên lựa chọn.

Có nhiều người nói rằng "thầy giỏi là thầy dạy hay, làm học sinh thấy hứng thú". Nhiều người khác lại nói "thầy giỏi là phải hiệu quả, quan trọng là học sinh đạt kết quả cao". Những cách nhìn nhận này đều không sai nhưng e rằng đều còn quá thiếu sót. Dưới đây tôi xin nêu ra một vài tiêu chuẩn mà tôi đã nghiệm ra, hi vọng nó sẽ giúp các bạn sinh viên, học sinh và tất cả người học nói chung trong việc lựa chọn một người thầy tốt cho mình. Và theo một khía cạnh nào đó, đây cũng là những lời xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo.

Dạy học trước hết là vì tri thức

Một người thầy thực sự dạy học để truyền bá những tri thức của mình cho người học, và qua đó cũng là tự hoàn thiện dần tri thức của mình.

Nhiều người thầy cho rằng dạy học là một nghề phù hợp với năng lực của họ để kiếm tiền, một số khác nói rằng họ muốn thấy niềm vui của trẻ nhỏ. Những lí do đó có thể góp một phần nào đó vào sự nghiệp dạy học cả đời của một nhà giáo. Nhưng nếu ai đó coi đó là tất cả thì họ chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành một nhà giáo thực sự.

Tôi là một người nghiên cứu và giảng dạy khoa học, chủ yếu là thiên văn học. Tôi nhìn nhận rõ một điều rằng tri thức là mục tiêu quan trọng nhất của người làm giáo dục. Phải biết yêu tri thức, luôn tự hướng mình tới tri thức và đưa tri thức đó tới người học thì việc dạy học mới là hiệu quả. Khi người ta chỉ nghĩ tới lợi nhuận, dù ban đầu có thể không cố ý nhưng rồi những mục đích đó sẽ dễ dàng cuốn người ta vào những bài giảng kém chất lượng để còn giữ sức cho lịch dạy dày đặc của mình, những câu trả lời thiếu trách nhiệm với học sinh cho qua chuyện ... Khi người ta nghĩ rằng dạy học để được ngắm nụ cười của trẻ em, nghe qua thì rất nhân văn và đáng quý, nhưng rất tiếc đó không phải mục đích của giáo dục.

Mục đích của giáo dục là truyền tải kiến thức tới người học, làm người học có kiến thức sâu rộng hơn, có cách tư duy hiệu quả hơn, có ý thức và đạo đức toàn diện hơn chứ không phải tặng cho họ những nụ cười che phủ lên trên những cái đầu rỗng tuếch.

Những người thầy hiểu được điều này và dám thực hiện nó là những người luôn trả lời mọi câu hỏi của bạn chỉ cần họ có thời gian, họ dám nói rằng họ sẽ phải tra cứu lại những câu hỏi mà họ không chắc chắn thay vì tìm cách bao biện cho nó, họ không yêu cầu bạn phải tham gia các lớp học để có câu trả lời cho những gì bạn muốn biết mà chỉ mời bạn tham gia để bạn có một hệ thống kiến thức tốt hơn. Họ không dành đa phần thời gian trên lớp kể những câu chuyện khôi hài hay lãng mạn để mua cho bạn những nụ cười, họ quan tâm tới việc bạn hiểu những kiến thức họ đã truyền đạt tới đâu.

Michael Faraday - Thế nào là người thầy đích thực?


Những bài giảng thực sự dạy cái gì đó thì không được ưa chuộng, còn những bài giảng được ưa chuộng thì thường chẳn dạy được cái gì cả!- Michael Faraday -

Suy nghĩ thế nào, không phải suy nghĩ cái gì

Nếu tất cả nhân loại đều suy nghĩ y như nhau, và giải quyết mọi việc giống nhau, thì chúng ta không phải là con người mà chỉ là những động vật cấp thấp, hay thậm chí là những cỗ máy. Và hiển nhiên như vậy chúng ta cũng không cần tới giáo dục. Chúng ta thử nhìn nhận vái điểm sau.

Với một giáo viên dạy Toán, nếu chỉ cung cấp cho học sinh cách giải một số bài toán cụ thể, như chúng ta vẫn thường gọi ở các trường phổ thông là "dạng bài", họ sẽ làm cho học sinh trở nên vô cùng thụ động. Vì toán học không phải là một bài hát chỉ cần học thuộc lời hát và giai điệu, toán học được ứng dụng (và bắt buộc phải được ứng dụng) trong tất cả mọi hoạt động thường ngày nhất của chúng ta. Những học sinh được dạy theo cách trên sẽ trở nên bế tắc khi giải quyết các bài toán không giống những "dạng bài" mà họ được dạy. Vậy thay bằng cách đó, điều quan trọng hơn là chỉ dẫn cho học sinh thật chi tiết để họ hiểu cẵn kẽ về từng công thức và qui luật trong toán học, mỗi bài toán chỉ là một ví dụ về cách áp dụng những công thức và qui luật đó, để người học có thể sử dụng chúng hiệu quả trong bất cứ trường hợp nào.

Với một giáo viên văn, điều quan trọng là dạy cho người học cách đọc, cách tìm ra ý tưởng của tác giả. Người đọc một tác phẩm văn học có thể nhìn ra nhiều khía cạnh khác nhau của nó, làm sao để phân loại chúng, tìm ra khía cạnh nào sâu hơn khía cạnh nào, và diễn giải ý tưởng đó của mình ra sao. Những cảm nhận được chỉ cho mà biết, những phong cách viết văn theo khuôn mẫu thì không phải là văn học, thật đáng buồn là tuyệt đại đa số người dạy môn này ở Việt Nam đã và đang làm như thế.

Một giáo viên giỏi Vật lý và các khoa học tự nhiên (thiên văn học, hóa học, ...) sẽ không đưa cho học sinh một loạt các công thức mẫu để làm bài tập, mà hướng dẫn họ sử dụng chúng một cách hiệu quả, trước hết là để giải thích và dự đoán chính các hiện tượng xung quanh, và cho họ biết rằng tất cả các bài tập mà họ gặp phải trong các sách vở, kì thi chỉ là sự định lượng hóa chính xác các hiện tượng mà họ đã biết rõ.

...

Tìm kiếm những tài năng chứ không phải fan hâm mộ

Đừng để mình lóa mắt vì những "nhà giáo" đầy hào quang, bao quanh bởi những lời tung hô và những "fan club". Mục tiêu của một người thầy là đào tạo ra những tài năng trí tuệ, trước hết là vì tri thức và tư duy của chính họ, sau nữa là để qua họ mà đóng góp những giá trị vào xã hội.

Những người thầy đích thực bao giờ cũng quan tâm xem bạn đã tiếp thu những gì, bạn có nắm được các kiến thức đó để áp dụng chúng, và cố gắng chỉ cho bạn cách để bạn sử dụng kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Trong khi đó một số "nhà giáo" dành nhiều thời gian hơn để chú ý tới vẻ ngoài của mình, những phát ngôn tưởng như uyên bác mà thực ra họ đã nghe từ ai đó hay đơn giản hơn là bật ra trong ý nghĩ mà chưa từng kiểm chứng qua trải nghiệm. Họ thấy hạnh phúc vì có những fan hâm mộ trung thành, sẵn sàng tung hô và bảo vệ họ.

Người thầy đích thực dạy bạn để trở thành một công dân có ích, và trên thế nữa, là một tài năng. Người thầy đích thực không đào tạo bạn thành những "nhân viên tận tụy và trung thành cho lý tưởng/dự án" của cá nhân họ như các bạn trẻ thường gặp ở chương trình đào tạo của các trung tâm, công ty .... Người thầy đích thực rất khác, họ không bao giờ muốn người học luôn làm cấp dưới và phải phụ thuộc vào mình.

Những dòng trên có thể là chưa thật đủ, và tôi cũng không mong muốn viết ra đầy đủ những phẩm chất của một người thầy cần có mà chúng ta đã nói tới quá nhiều. Trong bài viết này, tôi chỉ viết ra những điều mà chúng ta vẫn thường quên mất về cách làm việc, cách dạy của một người thầy.
Hi vọng rằng bài viết sẽ giúp ích đôi chút cho các bạn trẻ tìm kiếm cho mình những người thầy đích thực, và giúp nhiều thầy giáo, cô giáo tìm ra và vững bước hơn trên con đường giáo dục gian nan nhưng vô cùng đáng tự hào của mình.


Người viết: Đặng Vũ Tuấn Sơn

Kênh Hướng Nghiệp (Tổng hợp và chia sẻ)

Đăng nhận xét

YOUR_PROFILE_DESCRIPTION

Được tạo bởi Blogger.