Bạn có biết những người có mục tiêu cụ thể cho cuộc đời mình là những người thành công và giàu có nhất? Cuộc khảo sát thực hiện tại trường đại học Yale ở Mỹ đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa những người biết rõ mục tiêu của đời mình và những người không biết mình muốn gì trong cuộc sống.
Năm 1980, khi được hỏi về mục tiêu đặt ra cho cuộc đời, chỉ có 3% số sinh viên tham gia khảo sát viết ra mục tiêu và kế hoạch thực hiện cụ thể. 13% sinh viên có mục tiêu, nhưng không viết ra giấy. 84% còn lại hoàn toàn không biết (hoặc không có) mục tiêu hay kế hoạch nào.
15 năm sau, sự khác biệt giữa nhóm có mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mình và 2 nhóm còn lại thật sự gây bất ngờ. Số 13% sinh viên có mục tiêu nhưng không viết ra giấy có thu nhập cao gấp 2 lần những sinh viên không biết mình muốn gì trong đời. Điều gây ngạc nhiên lớn nhất nằm ở nhóm 3% sinh viên có mục tiêu và kế hoạch thực hiện chi tiết: họ có thu nhập cao gấp 10 lần tổng thu nhập của 97% sinh viên còn lại! (trích từ Never Eat Alone)
Đặt mục tiêu cho cuộc đời có quá khó khăn như nhiều người nghĩ không? Câu trả lời là “không” nếu bạn thực hiện các bước đơn giản sau:
1. Hãy trả lời câu hỏi “Tôi yêu thích gì?”
Tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, Thi không biết được cô thật sự muốn làm việc ở lĩnh vực nào. Cô đã thử sức trong ngành kinh doanh và Marketing, nhưng kết quả không được như ý. Thi loay hoay đổi việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuối cùng cô nhận ra rằng cô yêu tiếng cười và thế giới trẻ thơ biết bao. Hiện nay, Thi là một giáo viên giỏi và yêu nghề, làm việc tại một trường tiểu học quốc tế.
Vậy thì, trước tiên, bạn cần xác định rõ: Bạn thích làm việc gì nhất? Bạn đam mê điều gì từ thuở ấu thơ? Bạn có năng khiếu trong lĩnh vực nào và bạn muốn thử sức mình trong ngành nghề nào?
2. Hãy viết mục tiêu của bạn ra giấy
Nếu bạn không lên kế hoạch thực hiện mục tiêu của mình thì mục tiêu đó sẽ mãi là những ước mơ. Để mục tiêu của bạn trở thành sự thật, hãy lưu ý những điểm sau:
- Mục tiêu cần cụ thể, chi tiết và rõ ràng. Bạn cần xác định các bước phải thực hiện và thời hạn hoàn thành.
- Mục tiêu cần thực tế và khả thi. Ví dụ nếu bạn muốn trở thành Giám đốc Tài chính, ít nhất bạn phải có trong tay bằng cử nhân Tài chính và một số kỹ năng khác để theo đuổi vị trí này. Nhiều người không bao giờ đạt được mục tiêu của mình vì mục tiêu họ đặt ra vượt quá xa khả năng của họ.
- Tuy nhiên, một mục tiêu quá bình thường sẽ chẳng có ý nghĩa. Vì vậy bạn nên đặt ra mục tiêu đầy hoài bão, thậm chí chấp nhận một số rủi ro nhất định.
3. Xác định cách thức phù hợp nhất để thực hiện mục tiêu
- Trước tiên, bạn cần thực hiện các mục tiêu ngắn hạn để tiến tới thực hiện các mục tiêu dài hạn hơn.
- Tìm hiểu xem ai có thể hỗ trợ bạn thực hiện các mục tiêu này nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó có thể là sếp của bạn, bạn thân hay một đồng nghiệp rất thành đạt ở công ty.
- Tận dụng các công cụ hỗ trợ giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng hơn. Ví dụ nếu bạn muốn nâng cao khả năng nghe tiếng Anh thì bạn cần nghe và xem đài nước ngoài nhiều hơn.
4. Tìm “Ban Tư Vấn” cho bạn
“Ban Tư Vấn” có thể là người thân trong gia đình, bạn bè hay những người có nhiều kinh nghiệm. Hãy nhờ họ chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Từ đó, bạn sẽ biết được mình nên đầu tư thời gian và công sức cho mục tiêu nào.
KÊNH HƯỚNG NGHIỆP (Tổng hợp chia sẻ)
Đăng nhận xét